Trong bối cảnh các vụ bạo lực ngày càng gia tăng, nhiều quốc gia muốn đưa kỹ năng tự vệ ở trường học, song chưa nơi nào biến nó thành môn bắt buộc
Vụ tấn công bằng dao vừa qua tại Nga khiến dư luận phẫn nộ khi 2 cựu học sinh tìm về trường để tấn công giáo viên của mình ngay tại lớp học. 9 người bị thương, gồm cô giáo Natalia Shagulia và 8 học sinh 10 tuổi.
Theo Express, một số học sinh đã bị thương khi lao đến bảo vệ cô giáo trước những kẻ tấn công hung hãn. Trong khi đó, cô Shagulia cũng liều mình xông về phía 2 kẻ tấn công để bảo vệ học trò.
“Con trai tôi có thể thoát là nhờ cô giáo đã đẩy kẻ tấn công và tạo cơ hội cho một số nam sinh chạy ra ngoài”, một phụ huynh giấu tên thông tin với Daily Mail.
Trên mạng xã hội, bên cạnh những bình luận chê trách kẻ tấn công, nhiều người ca ngợi sự dũng cảm của cô Shagulia cùng các em học sinh 10 tuổi.
“Chúng ta hãy ca ngợi cô giáo, người đã dùng cả tính mạng để bảo vệ những đứa trẻ. Hy vọng tất cả sẽ bình an sau vụ tấn công nghiêm trọng này”, Lynsey Peters viết.
Ngoài ra, nhiều ý kiến khác bày tỏ quan ngại về những vụ việc tương tự có thể xảy ra và cho rằng các trường nên dạy trẻ kỹ năng tự vệ từ trong trường học.
“Những điều học trong trường giúp bạn vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và tự vệ là một trong những kỹ năng quan trọng mà nhiều người còn thiếu. Tôi không muốn làm ai đau, song cũng không muốn phải vào bệnh viện vì không biết cách bảo vệ bản thân khỏi những kẻ hung bạo”, Darnell Landau nêu quan điểm.
Nhiều lớp học tự vệ nhưng không phổ cập
Thực tế, tại nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật và Ấn Độ, việc dạy kỹ năng tự vệ cho trẻ đã xuất hiện dưới nhiều hình thức như lớp học của các tổ chức phi chính phủ, lớp học thu phí, lớp học trong trường hay câu lạc bộ. Tuy nhiên, chưa nơi nào đưa việc dạy những kỹ năng này thành môn học bắt buộc.
Tại Trung Quốc, tình trạng bạo lực học đường thường xuyên xảy ra trong những năm gần đây. Theo Global Times, học sinh của quốc gia đông dân nhất thế giới thiếu nhận thức về tự vệ cơ bản. Thậm chí, gia đình và nhà trường cũng không đề cập đến.
Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc, Trung Quốc nên dạy kỹ năng tự vệ cho trẻ. Biết các kỹ năng tự vệ là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của một đứa trẻ trong những ngày đi học. Nó cũng có thể giúp trẻ thích nghi với xã hội phức tạp sau này. Tuy nhiên, việc bàn luận đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy.
Tại Mỹ, các lớp học tự vệ đã được tổ chức từ lâu song hầu hết có thu phí. Điển hình là lớp học ở bang Missouri đã tồn tại suốt 20 năm. Có những lúc số học viên của lớp tăng lên con số 30 người.
Cứ mỗi tuần 2 buổi, các học sinh lại đến đây để học và luyện những kỹ năng cơ bản. Chi phí một khóa học khoảng 248 USD.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, trong bối cảnh nữ sinh đi học đang trở thành mục tiêu của những kẻ phạm tội, chính quyền một số nơi như thành phố Burdwan đã yêu cầu dạy kỹ năng tự vệ cho nữ sinh.
Một lớp học tự vệ dành cho các thiếu nữ ở khu vực South Salem, New York (Mỹ). Ảnh: Steve DeMasco.
Theo The Times of India, nữ sinh được học ít nhất 15 kỹ năng tự vệ, từ việc thoát khỏi tình trạng bị kìm kẹp, cũng như Judo và Karate. Chương trình này được triển khai từ năm 2015.
Tại sao nên dạy kỹ năng tự vệ cho trẻ?
GS Aaron Banks, đến từ Đại học Custavus Adolphus, nhận định trẻ biết các kỹ năng tự vệ sẽ tự tin hơn trong cuộc sống và có những hành động quyết đoán khi ở trong hoàn cảnh khó khăn, làm giảm khả năng gặp nguy hiểm. Bên cạnh đó, học các kỹ năng này còn giúp chúng tăng cường khả năng hợp tác, đặc biệt khi những đứa trẻ luyện tập cùng người khác.
Thống kê cho thấy hơn 767.000 học sinh ở Mỹ trong độ tuổi 12-18 có liên quan bạo lực. Bên cạnh đó, 67% nạn nhân của những vụ xâm hại là trẻ dưới 18 tuổi.
Những nghiên cứu chỉ ra rằng các nạn nhân trong độ tuổi thanh thiếu niên thường ngại tiếp xúc và tiếp tục trở thành đối tượng bị bắt nạt. Tự vệ không chỉ cung cấp khả năng bảo vệ mà còn dạy về chiến thuật phòng tránh, ngăn chặn các vụ bạo lực trước khi nó xảy ra.
TS Gong Chen tại Đại học San Jose, chuyên gia về tự vệ, thông tin trong giai đoạn luyện tập, học sinh sẽ được học các kỹ năng chống lại hành động ác ý như đấm, đá, kéo tay, ghì chặt, dùng súng tấn công hoặc dùng dao tấn công.
Chúng cũng được dạy cách thoát khỏi những tình huống xấu một cách có hiệu quả. Hơn nữa, kết quả cho thấy học sinh có thể cải thiện khả năng tự vệ ngay sau một khóa học.
Cụ thể, trẻ cải thiện 39,5% trong việc xử lý hành động đấm và đá của đối phương. 53% khả năng giữ thăng bằng khi kẻ tấn công cố tình xô ngã. 81,3% trong việc thoát khỏi tình trạng bị giữ chặt. 46,8% khả năng chống lại các cuộc tấn công bằng dao.
Hơn nữa, học sinh có thể tăng cơ hội thoát khỏi những cuộc đối đầu dữ dội. Trên thực tế, tự vệ cứu 59,6% học sinh thoát khỏi tội phạm bạo lực, 63,3% thoát khỏi kẻ hiếp dâm và 60,5% thoát khỏi những vụ tấn công khác.
Ngoài ra, theo nghiên cứu của TS Chen, những đứa trẻ tham gia vào lớp học tự vệ có xu hướng ít bạo lực hơn những người không tham gia. Tuy nhiên, một nhóm ý kiến phản biện rằng dạy trẻ tự vệ làm gia tăng tình trạng giải quyết vụ việc bằng bạo lực thay vì thông báo cho giáo viên. Họ cho rằng dạy kỹ năng tự vệ trong trường hại nhiều hơn lợi.
“Ai có thể đảm bảo rằng những kẻ bắt nạt không tham gia những lớp học tự vệ tương tự? Điều này khiến học sinh gặp nhiều nguy hiểm hơn”, một người giấu tên bày tỏ quan điểm.
Theo người này, nhiều học sinh sẽ lợi dụng những kỹ năng này để chống lại người khác, thậm chí để phục vụ mục đích xấu. Bên cạnh đó, một ý kiến khác chia sẻ để trẻ học tự vệ đôi khi gây nguy hiểm cho bản thân trẻ cũng như người khác. Trẻ có thể bị thương khi học hay luyện tập. Chúng cũng có thể làm đau người khác hay làm hư hại tài sản.
Viết bình luận