Kỹ năng tự vệ: Xử lý như thế nào khi phải “solo” với đối thủ to lớn hơn?

“Đụng chuyện” với những đối thủ to lớn hơn luôn là nỗi ám ảnh trong mọi trường hợp, bất kể là sàn đấu võ thuật hay tự vệ đường phố.

Bỏ qua những lời khuyên vô thưởng vô phạt như “nên bỏ chạy” (hiển nhiên!) hay “đi tập nhiều hơn để biết cách” (hiển nhiên nốt!), sau đây là một số điều mà bạn cần chú ý khi buộc phải đối đầu với kẻ to xương nặng thịt.

ĐỪNG LAO VÀO

Nhiều người cho rằng khi đấu với một đối thủ to cao, cần phải ập vào tấn công dồn dập và kết thúc cuộc đụng độ thật nhanh. Đây là sai lầm lớn. Bạn có thể sẽ hiểu đối thủ một chút nếu như cả hai gặp mặt nhau trên võ đài, nhưng có trời mới biết kẻ trấn lột bạn trên đường phố là ai, như thế nào. Việc ập vào quá nhanh có thể khiến bất lợi thể hình của bạn trở thành vấn đề thực sự, đặc biệt là rơi vào tình huống ôm – vật. Một người 60kg hoàn toàn có thể đấm knock out được anh chàng 100kg, nhưng việc bị một chàng 100kg ôm giữ thì chống trả không dễ dàng như vậy.

 

CHÚ Ý ĐÒN TAY ĐỐI THỦ

Nếu như không tập luyện đặc biệt thì người to con thường chậm hơn một chút, xin nhắc lại là MỘT CHÚT. Bạn sẽ có chút lợi thế nếu như tập trung tránh né việc đối thủ dùng tay tấn công, ôm giữ vì người thấp bé lại có lợi thế về tốc độ. Hơn nữa, người to cao thường có xu hướng dùng đòn tay nhiều hơn, và đòn tay của họ đương nhiên là “nặng” hơn rất nhiều.

TẬN DỤNG “ĐỒ CHƠI”

Từ nguyên thủy, khi con người phải đối đầu với thú dữ, họ đã làm gì? Vâng, cung tên giáo mác đã ra đời như thế. Nếu bạn phải đối mặt với một kẻ xấu to lớn, đừng dại dột làm anh hùng rơm. Một chiếc gậy bên đường, một viên gạch cũng là một phần cơ hội để bạn lấy lại công bằng khi đã thua thiệt về thể chất. Hơn thế nữa, một số dụng cụ tự vệ có thể giữ nguyên tác dụng bất kể đối thủ to lớn cỡ nào như chai xịt nước hoa, đèn pin siêu sáng…

TẬP TRUNG VÀO ĐÒN THẤP

Người to cao có nhược điểm rất lớn về trọng tâm và thăng bằng. Nếu bạn tự tin vào các kỹ thuật khóa vật của mình (nhờ tập luyện Judo chẳng hạn), lựa chọn phương án quật ngã đối thủ sớm là ý hay. Các đòn đạp gối, tì móc chân cũng phát huy công dụng rất tốt. Dẫu vậy, đây đều là những kỹ năng võ thuật cần tập luyện bài bản, đừng dại dột đem ra thử nếu như bạn chỉ mới vừa đọc xong bài viết này. Tập luyện võ thuật lâu dài và bài bản vẫn luôn là “lời khuyên” tốt nhất cho mọi tình huống.

Viết bình luận